"Rét nàng Bân" - Cho phép tôi mượn lời đề từ dành cho Tháng Ba của cụ Vũ Bằng trong cuốn Thương nhớ Mười Hai...
1.
Miền Bắc đang trong những ngày rét cuối cùng trước khi bước một chân sang mùa hè nóng rẫy: rét nàng Bân. Đối với một vấn đề, người ta luôn có rất nhiều cách để mô tả nó. Những người không thích cái lạnh cuối mùa này thì bảo là "Rét tháng ba bà già chết cóng" - lạnh lẽo, tang tóc, đau thương; những người tương tư mùa đông hay là lãng mạn một chút thì gọi là "Rét nàng Bân".
Đã từ rất lâu rồi, tôi cũng chẳng nhớ ngày tháng năm nào nữa, tôi được nghe kể về nàng Bân:
"Nàng Bân may áo cho chồng
May ba tháng ròng mới được cửa tay"
Tôi được bảo rằng, nàng Bân may áo cho chồng, nhưng may mãi không xong (với tốc độ ba tháng mới xong cửa tay thì có lẽ để may xong một cái áo, nàng sẽ mất khoảng 3 năm chẳng đùa). Có điều, đến khi may xong thì đã hết rét. Ngọc Hoàng thương tình mới cho một đợt rét vào tháng ba để chồng nàng thử áo. Ôi, tấm lòng của người vợ hiền đã cảm động trời xanh...
Sau này, tôi lại nghiệm ra theo một hướng khác không được bay bổng và thơ mộng như ngày xưa nữa: Bân không phải là một người phụ nữ khéo léo gì cho cam, thậm chí là vụng về, lần mần hết chỗ nói: may mỗi cái cửa tay thôi mà mất ba tháng ròng rồi may cả cái áo sẽ mất bao lâu hoặc cổ tay chàng dài đến tận đâu...? Rất nhiều giả thiết được đặt ra để suy diễn cho tình huống này. Và tôi kết luận là,
- Bân là một công chúa, con gái của Ngọc Hoàng chẳng hạn, rất xinh đẹp nhưng do được nuông chiều từ bé nên Bân không biết nữ công gia chánh, thêu thùa may vá... nên mới có cơ sự này. Nàng là một cô gái vừa có diện mạo xinh đẹp, lại còn có cơ to, nên lẽ tất yếu là nàng lấy được một người chồng hết mực yêu thương, chiều chuộng, và giàu lòng cảm thông.
Hoặc là
- Bân là một người phụ nữ trăm công nghìn việc, giỏi việc nước, đảm việc nhà, nhưng kém mỗi khoản thêu thùa may vá. Tuy nhiên, với bản tính cố chấp của mình, nàng vẫn muốn tự may áo cho chồng mà không cần bất cứ sự trợ giúp nào (hàng xóm, chị em bạn dì, các lớp học may vá...) nên ...
Vậy đó, cũng có thể là Bân không biết thêu thùa, cố chấp lại còn chẳng có nổi tiền mua áo rét mới cho chồng! Vậy là chồng nàng mặc nguyên chiếc áo rét suốt mấy năm ròng. Với tốc độ may áo của nàng, thì khi mặc rách chiếc áo này cũng là lúc chàng có áo mới để mặc.
Thôi thì, một ngày là vợ chồng tình nghĩa trăm năm. Lấy rồi thì phải chịu chứ biết sao nữa :)
Ấy thế mà, mấy hôm ngồi rảnh rang đọc lại cuốn Thương Nhớ 12 mới thấy là mình đã quên đi hẳn một vế của câu chuyện này:
"Nàng Bân may áo cho chồng,
May ba tháng ròng mới được cửa tay
Lạy trời cho cả heo may
Nàng Bân chết quách đêm nay cho rồi."
Và cụ Bằng bảo là "May ba tháng trời mới được có một cái cửa tay, người chinh phụ ấy hẳn là buồn quá nên thấy gió rết bất ưng trở về tháng ba, thương người quan tái, không kịp có áo gửi đi, nàng cầu Trời Phật cho nàng chết quách."
Vậy thì, không biết là nàng chết vì nhục hay là chồng nàng chết vì lạnh? Và ai chết trước ai?
Cụ Bằng cũng viết về những ngày tháng ba thời ấy "trời xanh như ngọc, đất sạch như lau". Vậy mà, sắp đến nửa tháng ba âm lịch, mỗi khi ngửa mặt lên trời, tôi chẳng hề thấy ngọc ngà ở đâu hết. Chỉ một màu đục đục, xám xám đến não nề.
2.
Không hiểu sao tôi có rất nhiều những chấp niệm về việc sử dụng từ ngữ - hẳn các cô giáo dạy văn trước đây của tôi sẽ rất vui mừng vì điều này, vì ít ra, công sức mà các cô bỏ ra cũng không phải đổ sông đổ bề (như nhiều cô giáo khác với các môn học khác).
Những ngày này, lên mạng đọc báo, thật là hiếm có bài báo nào không nói về dịch bệnh - vấn đề có tính cấp thiết nhất hiện nay, và lẽ dĩ nhiên là người dân có quyền được tiếp xúc với luồng thông tin chính xác và có độ tin cậy tuyệt đối!
Thứ tôi băn khoăn mãi ở đây là cách diễn đạt và cách dùng từ của chính phủ.
"Không kiểm tra nếu không phát hiện sai phạm" - Động thái của Chính phủ thể hiện sự cảm thông với các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Điều tôi khúc mắc là, nếu vô tình mắc sai phạm nhưng sai phạm đó lại được che đậy một cách "khéo léo" thì cũng sẽ được cho qua, vì rõ ràng là họ đâu có phát hiện được. Và mức độ của sai phạm thì cũng đa dạng với đủ loại hình thù kích cỡ. Thiết nghĩ, sau này khi "những cú sốc kinh tế do hậu quả của dịch bệnh" qua đi, các sai phạm nếu có sẽ được truy xét... Dù sao, đây cũng là một vấn đề to, thật to. Suy nghĩ nông cạn của mình chỉ có thể diễn tả bằng những dấu chấm lửng lờ.
"Cách ly xã hội" liệu có đúng không? Chính phủ ra chỉ thị "thực hiện cách ly xã hội trong vòng 14 ngày", người dân được khuyến khích ở nhà, chỉ ra ngoài khi thực sự cần thiết, đeo khẩu trang và cách xa tối thiểu 2 mét trong trường hợp giao tiếp, rửa tay sạch sẽ bằng xà phòng sát khuẩn, tránh đưa tay lên mặt, chạm vào mắt, miệng, môi... Những lời khuyên rất thiết thực. Tuy nhiên, có vẻ việc dịch từ tiếng Anh sang tiếng Việt không thực sự thể hiện được trọn vẹn ý tứ của ngôn từ.
Tôi xin mạnh dạn được trích phần dịch nghĩa trong từ điển Cambridge như sau:
Social (adj) Relating to activities in which you meet and spend time with other people and that happen during the time when you are not working (Tạm dịch: có tính liên quan đến những hoạt động mà ở đó bạn gặp gỡ và dành thời gian với người khác, xảy ra trong khoảng thời gian mà bạn không làm việc)
Distance (verb) to become or seem less involved or connected with something (Tạm dịch: trở nên hoặc dường như ít dính líu hoặc kết nối với một thứ gì đó)
Theo như kiến thức tiếng Anh hạn hẹp của mình, tôi thấy rằng rõ ràng từ "social distancing" đang được dịch sai. Nếu được dịch là "giãn cách xã hội" thì sẽ là hợp lí hơn. Và nếu dịch ngược lại từ tiếng Việt sang tiếng Anh thì lại còn sai hơn nữa khi cách ly xã hội sẽ trở thành "social isolation" - thứ sẽ "gặm nhấm tâm hồn chúng ta", đến chết. Tuy nhiên, chúng ta có đang thực hiện giãn cách xã hội không khi hàng ngày vẫn giao tiếp với bạn bè qua các thể loại mạng xã hội trên đời, vẫn học và làm việc qua các công cụ và phần mềm hỗ trợ trên máy tính hoặc trên điện thoại. "Physical distancing" nghe có vẻ là một lựa chọn phù hợp hơn tất thảy. "Giãn cách vật lý" - đảm bảo khoảng cách an toàn tối thiểu 2 mét, tuy sẽ làm giảm đi việc kết nối (bắt tay, ôm hôn) nhưng không hề hạn chế việc giao tiếp, chuyện trò, và các tương tác xã hội khác giữa người với người.
Và nếu gọi đúng ngay từ đầu, chắc sẽ chẳng có tình trạng người ta đổ đất chắn đường và chính phủ phải đăng đàn giải thích là chúng ta đang thực hiện việc hạn chế tiếp xúc chứ không phải là cấm tuyệt đối hoàn toàn những tương tác và di chuyển. Dịch bệnh vẫn trong tầm kiểm soát nên chính phủ chưa ra lệnh phong tỏa (lockdown) bất cứ thành phố nào.
Tôi thực sự mang một chấp niệm với việc gọi tên hoặc đặt tên cho một vấn đề nào đó. Như con người vậy, nếu gọi sai tên tôi thì tại sao tôi phải trả lời?
Physical (adj) Relating to the body (có tính liên quan đến cơ thể con người)
Isolation (noun) The fact that something is separate and not connected to other things (Tạm dịch: Thực tế việc cái gì đó được tách rời và không có liên kết với những thứ khác - Cô lập)
Lock-down (noun) the situation in which people are not allowed to enter or leave a building or area freely because of an emergency (tạm dịch: Tình huống mà ở đó mọi người không được phép đi vào hoặc rời khỏi một tòa nhà hoặc một vùng một cách một cách tự ý bởi vì một trường hợp khẩn cấp nào đó - Phong tỏa).
3.
Biểu tượng của may mắn là cỏ 4 lá: cánh thứ nhất là niềm tin, cánh thứ hai là hy vọng, cánh thứ ba là tình yêu, cánh thứ tư là may mắn.
Chúng ta hãy vững tin rằng chúng ta sẽ đủ mạnh mẽ vượt qua được những khó khăn trước mắt (điều mà chúng ta đã từng làm rất nhiều lần trước đây), chúng ta hy vọng vào những điều tốt đẹp sẽ đến, và yêu thương sẽ xoa dịu sự mất mát, nỗi đau,khổ ải và hận thù. May mắn sẽ luôn đồng hành cùng chúng ta! (Mặc dù "càng chuẩn bị kĩ càng bao nhiêu, chúng ta càng bớt lệ thuộc vào may mắn bấy nhiêu).
Comments
Post a Comment