Featured
- Get link
- X
- Other Apps
yêu là chết trong lòng một ít
Ảnh cô giáo tiếng Pháp gửi cho tôi 2 năm trước nhân dịp cô kể chuyện về việc tham gia CLB nghệ thuật của cô. |
Các nhà thần kinh học có xu hướng chia các trải nghiệm tình yêu thành ba giai đoạn: thu hút, ham muốn, gắn kết. Sự kết hợp của cả ba yếu tố này có thể tạo nên một mối quan hệ lâu dài và bền vững, nhưng không phải lúc nào chúng cũng đi cùng với nhau. Ví dụ, chúng ta thường nảy sinh ham muốn với những người mà với họ chúng ta hoàn toàn không có ý định hay khao khát việc xây dựng một mối quan hệ lâu dài; trong khi đó, chúng ta lại cảm thấy dễ dàng gắn kết với những người thu hút chúng ta về khía cạnh cảm xúc và tinh thần chứ không phải sự ham muốn thể xác. Các giai đoạn của tình yêu có thể được miêu tả chính xác theo trình tự sau: bắt đầu là sự ham muốn, sau đó là sự thu hút – thường kéo dài vài tháng, hoặc vài năm; và cuối cùng là sự gắn kết, yếu tố đóng vai trò quyết định khiến con người bên nhau hàng thập kỷ. Những giai đoạn này là hoàn toàn riêng biệt, nhưng đôi khi chúng có thể xuất hiện đồng thời và đan xen với nhau. Tuy vậy, có những bằng chứng chỉ ra rằng sự thu hút chỉ tồn tại trong một khoảng thời gian nhất định.
Người ta có thể trải nghiệm những cảm giác ham muốn khá sớm bắt đầu từ tuổi dậy thì. Đó là khi estrogen (1) và testosterone (2) – là những chất dẫn truyền thần kinh chịu trách nhiệm cho sự ham muốn trong cơ thể người phụ nữ và người đàn ông – tự kích hoạt trong cơ thể của chúng ta lần đầu tiên trong giai đoạn dậy thì. Mục đích cơ bản của sự ham muốn được tin rằng là dành cho sự sinh sản, và những trải nghiệm là kết quả của sự thu hút thể xác, hoặc thậm chí là được „thúc đẩy“ bởi một người khác. Pheromones (3), sự hấp dẫn thể xác và khuynh hướng xã hội cho những điều mà chúng ta tìm kiếm ở người bạn đời là những nhân tố khơi gợi cảm giác ham muốn. Mặc dù sức mạnh mà nó có trong tinh thần của chúng ta, nhưng bản thân sự ham muốn lại là một trải nghiệm rất nhanh chóng. Nó có thể giúp con người có được những cuộc gặp gỡ ban đầu, nhưng lại không có sức mạnh để giúp họ ở bên nhau.
Nếu một mối quan hệ kéo dài, thứ được gọi là sự thu hút sẽ xảy ra. Sự thu hút là một cảm giác say sưa được trải nghiệm trong thời kỳ đầu tiên khi quen biết ai đó. Những triệu chứng này bao gồm sự choáng váng, đỏ mặt, và cảm giác mất ăn mất ngủ. Chúng chính là kết quả của ly cocktail hóa học gồm dopamine (4) và norepinephrine (5), cái mà PEA (6) – một chất hóa học trung gian – được sản sinh trong mạch máu khi sự hấp dẫn xảy đến. Dopamine chịu trách nhiệm cho cảm giác sung sướng và hạnh phúc của sự tự tin, hân hoan và động lực - cái mà tình yêu mới mang đến; norepinephrine, tương tự như adrenaline (7), mang đến cảm giác hồi hộp và lo lắng. Sự hấp dẫn mạnh mẽ hơn sự ham muốn; trong khi cường độ của nó yếu dần và „bay màu“ sau vài tuần, thì ảnh hưởng của sự chuyển giao PEA có thể tiếp tục từ 18 tháng cho tới 4 năm. Sau đó, cơ thể của chúng ta sẽ tạo nên một lòng khoan dung tự nhiên.
Ở giai đoạn này, một sự chuyển tiếp đến gia đoạn được gọi là „sự gắn kết“ sẽ xảy ra. Sự „chớp nhoáng“ của sự hấp dẫn sẽ được thay thế bởi endorphin (8) - giống như oxytocin (9) và vasopressin (10) - thứ sẽ tạo nên sự vui vẻ nhẹ nhàng, ấm áp – một cảm giác an toàn giúp vỗ về tâm trí, làm tê liệt nối đau và xoa dịu sự lo lắng. Điều tuyệt vời chính là cảm giác vui thích này sẽ được duy trì trong một thời gian dài (có lẽ là 40-50 hoặc nhiều năm hơn nữa) – phụ thuộc vào việc bạn gặp người bạn đời của mình vào lúc nào. Thật không may là, sẽ chẳng có sự bảo đảm nào cho sự chuyển giao PEA sẽ tiến hóa đến giai đoạn endorphin – trong nhiều ví dụ, nó sẽ được thay thế bởi cảm giác trống rỗng và không hài lòng. Nó không phải là một sự trùng hợp cái mà đỉnh của tỷ lệ ly hôn xảy ra ở giữa khoảng 4 đến 7 năm, khi mà sự chuyển giao PEA suy giảm và sự gắn kết không còn xảy ra trong bộ não của nhiều người.
Thậm chí những nhà khoa học còn tin rằng những chất hóa học nêu trên và ảnh hưởng của chúng không phải là tất cả. Có vô vàn những nhân tố ví dụ như văn hóa và cá tính tham gia và tác động, ảnh hưởng đến thứ mà chúng ta gọi là „tình yêu“ - những thứ mà khoa học sẽ chẳng bao giờ giải thích được. Tuy nhiên, trong khi dopamine đem đến cảm giác hạnh phúc, sự ngok nghek (ngu dốt, thiếu hiểu biết) thì không – thần kinh học chứng tỏ những đóng góp to lớn của mình cho sự thỏa mãn trong đời sống cá nhân của mỗi người. Ví dụ, đó không phải là một ý tưởng hay để kết hôn hoặc dành phần còn lại của cuộc đời mình với ai đó nếu như bạn không cảm thấy sự sung sướng chớp nhoáng của quá trình chuyển đổi PEA. Một khi bộ não của bạn bị tê liệt bởi sự sản sinh của oxytoin và vasopressin, đó sẽ là một lời cam kết an toàn và đáng tin cậy. Sự gắn kết thể hiện vai trò của mình trong từng trường hợp cụ thể, tuy nhiên: trong khi mọi người tận hưởng sự an toàn của sự gắn kết mang lại, họ không thể đánh mất những khao khát của sự ham muốn hoặc sự cuốn hút. Mất đi khả năng khiến cho quá trình chuyển giao PEA xảy ra với người yêu hoặc người bạn đời của mình, trong khi biết rằng anh ấy/hoặc cô ấy có lẽ sẽ cảm thấy điều đó với người phụ nữ/hoặc người đàn ông khác, có thể đem tới cảm giác ghen tuông và lo lắng cho những người đang ở trong một mối quan hệ yêu đương* . Thấu hiểu và thảo luận cởi mở về cảm giác mất an toàn này cho đến khi cả hai phía có thể hiểu và cảm nhận được nhau là giải pháp tối ưu để có thể giảm bớt những cảm xúc tiêu cực đó.
*(tôi nghĩ rằng sự ghen tuông là kết quả của sự tự ti và không tin tưởng lẫn nhau)
----
Bài viết trên được tôi phỏng dịch (một cách xiên xẹo) từ nguồn là một bài TEST trong cuốn IELTS Stimulation. Chắc chắn sẽ có nhiều lỗi sai trong quá trình dịch nhưng mà tôi không muốn kiểm tra lại từng từ vì đã lỡ cho đi cuốn sách ấy (từ rất lâu rồi).
Không giống như ông Xuân Diệu cắt nghĩa về tình yêu một cách rất trời đất gió mây, kiểu:
"Làm sao cắt nghĩa được tình yêu
Có nghĩa gì đâu, một buổi chiều
Nó chiếm hồn ta bằng nắng nhạt,
Bằng mây nhè nhẹ, gió hiu hiu..."**
**Trích thơ "Vì sao" ,Thơ thơ (1938), Xuân Diệu (viết tặng Đoàn Phú Tứ)
thì các nhà khoa học đã giải thích về tình yêu bằng những thuật ngữ rất gớm ghê và mang đậm màu sắc y khoa, sinh học, hóa học, thần kinh học... (gọi chung là "các kiểu học"), mà người đọc (với chính người dịch là tôi) cũng cảm thấy "tình yêu" nó thực tế với có mùi thuốc hơn nhiều (vì yêu nhiều thì ốm mà ôm nhiều thì yếu).
Đó là tình yêu, hay là một kiểu cảm xúc na ná tình yêu? Tôi không biết.
Chí ít thì, tôi cũng đã được trải qua cảm giác vì ai đó mà choáng váng, đỏ mặt, và cảm giác mất ăn mất ngủ rồi. Hôm nay, khi vô tình đọc lại bản dịch gốc trong lúc dọn dẹp máy tính, tôi cũng tự cảm thấy rằng mớ kiến thức từng bị tôi lướt qua một cách hời hợt và xém chút nữa rơi vào quên lãng trước đây bỗng dưng trở nên dễ hiểu hơn bao giờ hết.
Dopamine đem lại cảm giác hạnh phúc, nhưng sự ngok nghek dại khờ thì không. Cơ mà tôi vẫn cứ muốn ngu ngơ, vẫn muốn khờ khạo, vẫn chẳng cần biết cái gì gì đấy.
Có được không?
![]() |
"Con yêu cô Yến nhất trên đời cô Yến" - Em bé Mun (2 tuổi) |
----
(1) estrogen: một loại hooc-môn được tạo ra trong buồng trứng của người phụ nữ, chịu trách nhiệm cho sự phát triển thể chất và các đặc tính sinh lý nữ cũng như dấu hiệu cho việc sẵn sàng có em bé.
(2) testosterone: một loại hooc-môn chịu trách nhiệm giúp đàn ông phát triển những đặc tính tiêu biểu của giống đực.
(3) pheromones: các chất hóa học được tiết ra từ động vật cái mà ảnh hưởng đến hành vi của đồng loại khác, ví dụ như sự hấp dẫn về sinh lý.
(4) dopamine: một loại hooc-môn (cũng là chất dẫn truyền thần kinh) sẵn có trong cơ thể, hoặc có thể được tạo ra bằng việc sử dụng chất kích thích; được xem là hóa chất chính của hạnh phúc.
(5) norepinephrine: là một loại hooc-môn giúp giữ cho huyết áp ở mức ổn định, đặc biệt là trong trường hợp bị hạ huyết áp.
(6) PEA (hay Phenethylamine): là một chất hóa học trung gian, giúp giải phóng dopamine và norepinephrine.
(7) adrenaline: một loại hooc-môn (cũng là chất dẫn truyền thần kinh) được tạo ra trong cơ thể khi con người cảm thấy sợ hãi, tức giận, hoặc hưng phấn những cảm xúc khiến cho nhịp tim tăng nhanh và để chuẩn bị cho việc phản ứng với nguy hiểm.
(8) endorphin: chất hóa học tự nhiên, được sản sinh ở trong não giúp giảm bớt cảm giác đau đớn; với một lượng lớn endorphin được sản sinh, con người có thể cảm thấy hoàn toàn thư giãn hoặc tràn trề năng lượng.
(9) oxytocin: một loại hooc-môn giúp cho quá trình đau đẻ (đẩy em bé ra ngoài tử cung?) dễ dàng hơn và giúp phụ nữ và các loài động vật có vú giống cái sản xuất sữa,
(10) vasopressin: hooc-môn chống lợi tiểu.
(Các định nghĩa trên được dịch từ từ điển Cambridge)
Ariana Grande - One Last Time (Lyric Video)
Comments
Post a Comment