|
Quả cầu lửa đang rơi xuống đường chân trời. Đã lâu lắm rồi... |
Cách đây cũng khá lâu, trong một buổi chuyện trò cùng chúng bạn, chúng tôi có ý định đi chơi cùng nhau trước khi một đứa chính thức "theo chồng bỏ cuộc chơi". Không có gì lạ khi kế hoạch ấy chưa đi đến đâu. Vẫn chủ đề đi du lịch ấy, tụi nó bắt đầu nói về cái sở thích ngao du của tôi, trích dẫn một số nhận xét của phụ huynh: "dở hơi", "lang thang", vân vân và mây mây; nói chung đều là những "mĩ từ" không được tích cực cho lắm. Và cũng như mọi lần, tôi cười xòa cho qua (chỉ cần vậy thôi cũng sẽ nhanh hơn việc giải thích rất nhiều). Tuy vậy, lần đầu tiên, trong thâm tâm tôi lại lấn cấn một điều: liệu rằng, trong mắt các bậc phụ huynh, liệu tôi có tác động xấu nào đến con cái của họ không, và liệu họ có phiền lòng khi con của họ giao du với một đứa như tôi không?
Những băn khoăn này cuối cùng tôi cũng chỉ giữ cho riêng mình (phần vì tôi chẳng có gan đi hỏi thẳng các bác ấy, phần cũng vì tôi sợ câu trả lời là "có"). Tuy nhiên, có băn khoăn nhiều đến đâu thì cũng chẳng ngăn nổi bước chân tôi tiếp tục những cuộc hành trình của riêng mình.
Người ta vẫn nói "nếu muốn đi nhanh thì đi một mình, còn muốn đi xa thì phải đi cùng nhau" - điều này ắt có lẽ không áp dụng cho việc "đi bụi". Đi một mình có cái thú của việc đi một mình, nên chưa chắc hai người cùng có sở thích đi một mình lại muốn đi cùng với nhau. Riêng với bản thân tôi, đi một mình có nghĩa là sẽ không có ai thúc ép tôi ăn món này món nọ, đi tới địa điểm này địa điểm kia theo một bản kế hoạch vừa khít (có phần chặt chẽ) như một chiếc áo ngực. Rõ ràng là khi làm mọi chuyện tùy theo cảm hứng của mình, tuy có phần lộn xộn nhưng lại thoải mái hơn.
|
Số tiền mặt còn dư lại sau khi thanh toán với homestay :)) |
 |
Good morning ~
|
Tôi đã từng nghĩ rằng Sài Gòn chẳng thích mình khi chuyến bay cứ phải hoãn hết lần này tới lần khác, rồi lại thêm cả việc không liên lạc được với homestay khi sát ngày khởi hành (cũng may nhờ vậy mà tôi đã tìm được một homestay tốt hơn). Ấy vậy mà, Sài Gòn (có lẽ) đã đón tôi bằng tất cả sự dễ thương mà nơi ấy có. Anh ngồi cạnh trên chuyến bay thì tận tình nhắc nhở "đi đứng cẩn thận, trong này trộm giật nhiều, không giống ngoài Hà Nội mình đâu!". Anh chạy Grab thì: "Em check kĩ lại biển số xe coi đúng chưa?"; rồi khi biết tôi lần đầu tiên đến đây, anh đã làm tour-guide miễn phí, chỉ cho tôi Dinh Độc Lập, cả phòng trà của Lệ Quyên - Đan Trường, hay "Chỗ kia bán bánh mì ngon lắm em, cơ mà tận 45 ngàn một ổ"... Thời tiết thì rõ là dễ chịu chắc có lẽ do cơn mưa ban chiều - mặt đường hẵng còn hơi ẩm ướt.
Chỉ là, dù đã nghe loáng thoáng về việc xe bus trong này không giống với xe bus Hà Nội, nhưng đã được bên homestay khẳng định chắc nịch rằng chuyến xe bus chạy từ sân bay về hoạt động tới tận 23:40 nên lúc biết được thực tế có hơi hốt hoảng. Thực tế khác nhau rất là nhiều... nếu không nói là một trời một vực. Ngoài Hà Nội, xe bus có nghỉ sớm thì cũng cỡ 9 giờ - 9 rưỡi tối (như xe 09 vào những ngày trong tuần trừ thứ 6, thứ 7, chủ nhật), các xe như 26 và 32 chạy tới tận 11 giờ đêm; nên là tôi đã khá bất ngờ khi toàn bộ các xe bus ở Sài Gòn đến 7 rưỡi tối là đã nghỉ hết. Thay vì xe bus tự động dừng ở các điểm như ở Hà Nội, trong Sài Gòn, người ta phải vẫy để đón xe (?). Và ở Hà Nội, các bạn sinh học sinh- sinh viên- người cao tuổi có vé tháng với mức giá ưu đãi 100,000 VND/tháng (đi liên tuyến - cứ mua tem rồi muốn đi bao nhiêu cũng được) thì trong đó, người ta phải mua vé tập (cỡ đâu ~130,000VND/tập/30 vé). Các bạn sinh viên, học sinh thì lúc nào cũng phải dính cái thẻ học sinh lên người để được trợ giá xe bus, chỉ phải trả 2,000VND-3,000VND/lượt. Thế có vẻ bất tiện nhỉ, vì lúc nào cũng phải chuẩn bị tiền lẻ trong ví mà, thêm việc đi học/đi chơi mà về muộn bị lỡ xe thì chắc... ăn hành cả củ luôn mất. Thế mới thấy những tối ham chơi trên bờ Hồ mà nhỡ xe 09, vẫn có thể chạy ra Tràng Thi đón xe 32 về Cầu Giấy như thường.

|
Một tô hủ tíu trong ngõ nhỏ trên đường Lê Thị Riêng. When in Saigon, do as the Saigonese do. Tôi nhận thấy mình hợp với cái vị ngòn ngọt cay cay của miền Nam. |
|
Một bông hoa rõ xinh trong công viên Tao Đàn. Rõ là đi bộ hết đâu chừng 15 phút thì đến Dinh mà tôi "lang bạt" ngắm hết hoa cỏ trong công viên cả nửa tiếng đồng hồ...
|
|
... rồi thì cả đến chim nữa! Giữa những ồn ã tấp nập của xe cộ, nắng nôi của thời tiết, khi người ta nghe tiếng đập của một cánh chim bồ câu chắc có lẽ cũng cảm thấy được nhẹ nhàng phần nào. |
Trước chuyến đi này, tôi có đọc lại một cuốn sách cũ của mình, cuốn sách được viết bởi một nhà báo người Mỹ về một nhân vật có thật trong lịch sử Việt Nam hiện đại, bà Trần Lệ Xuân vợ của ông Ngô Đình Nhu - em trai của Tổng thống Ngô Đình Diệm. Tại sao tôi lại quan tâm và mua sách về nhân vật này? Tất nhiên là do tò mò. Những dòng lịch sử viết về chế độ Việt Nam Cộng Hòa trong cả chương trình sử gom góp lại được cỡ đâu non trang giấy, dường như không đủ để hình dung về cả một chính quyền (mặc dù được viết bằng những từ ngữ có tính đặc tả cao). Trên mạng lại có quá nhiều những nguồn thông tin - và thời buổi này thì... vàng thau lẫn lộn. Một cuốn sách được viết bởi một người nước ngoài có vẻ sẽ là khách quan hơn. Khi xem qua nội dung, tôi cũng cảm thấy được tác giả đã dành rất nhiều thời gian để đọc những tư liệu lịch sử, thậm chí còn được nói chuyện trực tiếp, hoặc qua điện thoại với nhân vật được nhắc đến trong sách. Quả thực, một cuốn sách hay sẽ là cầu nối đưa ta đến những nguồn tri thức có giá trị. Những tưởng đọc lại cuốn sách này sẽ khiến tôi nhặt nhạnh lại được một chút gì đó của Sài Gòn xưa, nhưng những gì tôi cảm được sau khi gấp cuốn sách này lại là một cảm giác nặng nề (thậm chí là bồn chồn, nóng ruột và có phần bất an). Khi đọc nó lần đầu tiên vài năm trước đây, tôi chẳng hề có những cảm giác ấy...
Dinh Norodom (Norodom Palais) khởi công xây dựng vào năm 1868, đặt theo tên của vị quốc vương Campuchia, là nơi sống và làm việc của Toàn quyền Pháp tại Đông Dương. Sau sự thất bại của Pháp tại Đông Dương bằng chiến thắng Điện Biên Phủ và hiệp định Geneve năm 1954, Dinh Norodom được đổi tên thành Dinh Độc Lập và được chọn làm thủ phủ của chính quyền Việt Nam Cộng Hòa, đứng đầu là thủ tướng Ngô Đình Diệm (sau này là tổng thống). Trong cuốn sách ấy, vụ ném bom năm 1962 được miêu tả đã phá hủy một phần của Dinh - tổn hại đến mức không thể sửa chữa và bắt buộc phải xây dựng lại. Dinh mới được khánh thành vào năm 1966, 3 năm sau vụ ám sát anh em Diệm - Nhu; sau đó thì trở thành nơi ở của các đời tổng thống sau này. Có một chi tiết cứ xuất hiện đi xuất hiện lại trong tâm trí tôi khi đọc những dòng viết về vụ đánh bom này khi bà Nhu cố gắng chui ra khỏi đống hỗn độn đầy xi măng và bụi lửa, loạng choạng đứng lên trước khi ngất lịm vào vòng tay chồng...
 |
Thực sự thích kiến trúc hành lang này
|
Có vào thăm dinh mới thấy được sự ăn chơi của cả một chế độ, khi những đồng đô la Mỹ (máu và nước mắt của người Việt Nam) dán vào từng ngõ ngách, từng khung cửa sổ, từng lối đi của tòa nhà. Những căn phòng rộng trải nhung trải gấm với những màu sắc chủ đạo và chất liệu nội thất khác nhau tủy thuộc vào mục đích sử dụng và chủ nhân của căn phòng đó. Hãy tưởng tượng như thế này nhé: các ông họp ở phòng Hội đồng, họp xong sẽ ăn tiệc ở phòng Đại Yến, tổng thống và phó tổng thống sẽ làm việc, tiếp khách trên tầng hai; tầng ba là phòng ăn chơi cùng nơi nghỉ ngơi của gia đình tổng thống; ăn no chơi chán thì những quý ông quý bà sẽ dắt nhau lên tầng thượng (nơi được xây dựng với mục đích để tổng thống yên tĩnh suy nghĩ trước khi đưa ra những quyết định lịch sử) dẩy đầm...
Riêng Tổng thống sử dụng riêng ba phòng: phòng làm việc cá nhân, rồi phòng tiếp khách (bàn chuyện) và phòng tiếp khách (uống trà). Trong phòng tiếp khách của tổng thống, ghế của Tổng thống và của khách quý cùng những người có chức vụ cao sẽ được chạm đầu rồng và lưng ghế thì cũng cao hẳn so với ghế cho phụ tá cấp thấp bên cạnh. Trong phòng có đặt một đôi ngà voi rất to và đẹp (nhớ là có đọc về việc sau khi chế độ họ Ngô sụp đổ, một cặp ngà voi cũng bị cuỗm mất luôn), tôi mới hỏi anh phụ trách an ninh gần đó (một câu hỏi cực kì ngô nghê):
- Anh ơi, cặp ngà kia là đồ giả hay thật vậy?
- Hàng thật đó em ơi, tổng thống ai xài đồ dởm!
- (Tôi giải thích ...)
- Vậy em có nghe về sự tích của cặp ngà này chưa? Tổng thống (Nguyễn Văn Thiệu) đi thị sát ở vùng Tây Nguyên, thấy con voi có cặp ngà đẹp quá nên muốn ngỏ ý xin trưởng bản cặp ngà. Trưởng bản khéo từ chối. Và rồi, để lấy được cặp ngà đó, không những con voi mà cả buôn làng đều bị tàn sát.
Không biết là những khi nhìn thấy cặp ngà ấy, ông ta có nhìn thấy đôi mắt của con voi và của cả những người dân làng vô tội, đang trừng trừng nhìn ông ta không nữa?
Không biết câu chuyện này có thật không, nếu là thật thì thực sự ghê rợn!
 |
Hôm đó, trời đã nắng đẹp như thế đấy
|
 |
Rồi cũng không biết là đổ mưa lúc nào luôn
|
 |
Thương tích - chả biết bị từ bao giờ. Nguyên tắc là, vết thương càng nhỏ thì càng phải khoe to! |
 |
Sau cơn mưa mọi thứ đều tinh tươm và sạch sẽ. Cũng thấy mình ngu độn khi nhìn map rồi đi trọn một vòng quanh cái building to đùng trước khi về lại chỗ cũ :)). Thi thoảng bị lạc đường cũng vui ghê!
|
Ổ bánh mì 47 ngàn no từ chân lên tận óc @@... Thực ra cũng không có ý định mua lắm, chỉ thấy người ta đứng xếp hàng đông quá nên cũng đứng vào xem vui. Anh bán hàng chắc thấy ngác ngơ quá hỏi mua mấy ổ, tôi nhanh nhẹn giơ lên 1 ngón tay; và rồi anh ấy liến thoắng gắp lấy gắp để (thực sự tôi không biết nguyên liệu có gì, ăn thì nhận thấy có jambong và chả, thêm cả ớt chuông nữa) rồi đưa bánh cho tôi. Bình thường là không ăn thịt lợn đâu, nhưng là "chiều lòng" Sài Gòn lắm rồi đấy nhé! |
Ngáo ngơ as usual...
|
Các bảo tàng của Sài Gòn cho tôi một cảm giác...ngược ngược. Thay vì đi tham quan từ tầng 1 tới tầng 3, thì phải thăm từ tầng 3 xuống tầng 1 mới đúng quy trình (tại sao nhỉ?). Bảo tàng luôn có những thứ hay ho, nhưng vào cuối tuần thì lại cực kì đông khách - đa số là các bạn trẻ đi chụp hình hoặc các cặp đôi đi chụp ảnh cưới. 30,000 VND một vé thực sự quá rẻ cho cả tỷ góc sống ảo chứ chẳng đùa.
Nếu một ngày cảm giác vô dụng, bất tài hay chán ghét cuộc đời xâm chiếm con người bạn, hãy đi thăm những bảo tàng chiến tranh/chứng tích chiến tranh. Bạn sẽ cảm thấy việc mình được sinh ra khỏe mạnh, lành lặn, đầy đủ tứ chi thôi cũng là một sự may mắn và thành công rồi.
|
Ngã 6 - 7 h sáng - chủ nhật. Đứng ở đây một lúc thì thấy một bác trai mang cơm nguội đổ cho đám bồ câu ăn. Mấy con bồ câu ấy chắc được cả thành phố nuôi cho béo! |
Có một câu chuyện nhỏ mà tôi đã được chứng kiến ở Bảo tàng Mỹ Thuật Thành phố Hồ Chí Minh khi đứng xem tác phẩm được coi là bảo vật quốc gia có tên Vườn Xuân Trung Nam Bắc của cố họa sĩ tranh sơn mài Nguyễn Gia Trí. Bức tranh được trưng bày trong căn phòng có điều hòa, và có hệ thống an ninh bảo vệ nghiêm ngặt (cảm ứng, ai cho tay qua lớp cảm ứng này chuông báo động sẽ tự khắc kêu lên). Phải nói thật là, tôi vào xem bức tranh này cũng chẳng hiểu hết được về nội dung bức tranh (đại khái là thấy hình ảnh "chị em sắm sửa bộ hành chơi xuân" của thiếu nữ ba miền) dù đã có đọc phần mô tả, đọc về tác giả và quan điểm sáng tác nghệ thuật của ông, cả những tranh luận về việc chính quyền thành phố mua bức tranh ấy với giá 600,000,000 VNĐ. Cơ bản là ở trong đó ... mát, nên có chữ nào là đi đọc cho bằng hết!
Tình cờ, có hai bạn nữ đang quay (có lẽ là) bài tập về nhà với background là tác phẩm nổi tiếng ấy thì có một bác lớn tuổi mới chạy lại ngăn cản. Bác giải thích là, việc sử dụng các tác phẩm được coi là bảo vật quốc gia này dưới hình thức tư liệu hình ảnh phải có quy trình đàng hoàng chứ không được tùy tiện như thế. Muốn quay thì phải về trường, xin giấy giới thiệu, đem lên bảo tàng để bảo tàng cho phép quay thì mới được quay... Sau đó hai cô bé xin lỗi bác, bác cũng ra kiểm tra lại hệ thống an ninh trước khi ra ngoài (mà sao lúc nó hú lên như thế, chẳng có nhân viên an ninh nào xuất hiện vậy nhỉ?). Lúc ấy, tôi cũng nhìn lại một lượt nữa quanh khu vực ấy, để kiếm tìm một cái biển chỉ dẫn là không cho phép quay phim chụp ảnh, nhưng không biết là do tôi mắt toét hay sao mà nhìn không ra. Đúng ra, nếu có quy định thì phải được công khai và phổ biến rõ ràng để mọi người cùng biết mới phải.

|
"Đừng so sánh việc mình làm với người khác. Đi sâu vào thiên hướng mình để tìm ra cái đẹp của riêng mình. Rất ít người có thể sống trong hiện tại. Thường thì người ta sống vì quá khứ hoặc vì tương lai. Người nghệ sĩ trong lúc làm, đó là họ đang sống trong hiện tại, với cái nghĩa đúng nhất" - Họa sĩ Nguyễn Gia Trí (ảnh chụp trong công viên Tao Đàn) |
Những người làm nghệ thuật có cách suy nghĩ khác so với những người làm kinh tế. Họ sẵn sàng bỏ ra mấy trăm triệu để sở hữu một bức tranh mà họ thấy được giá trị nghệ thuật của bức tranh ấy, trong khi những người làm kinh tế sẽ tính xem với cùng số tiến ấy người ta có thể xây được bao nhiêu cây cầu, bao nhiêu căn nhà tình nghĩa. Đối với những người làm kinh tế, xây nhà và xây cầu là cấp bách; đối với những người làm nghệ thuật, bảo tồn một di sản cũng chẳng phải chuyện có thể làm sau... Ai cũng đúng, theo quan điểm của riêng họ.
Có được thì dễ, giữ gìn có được dài lâu không mới là khó...

Những trải nghiệm trong chuyến đi này cũng khiến tôi nhớ về một câu chuyện trước đây đã đọc về hai biển hồ ở Palestin. Cùng đón nhận nguồn nước từ sông Jordan, nhưng biển hồ Galilee thì luôn xanh mát, con người lẫn cây cối, động vật cũng được hưởng lợi từ nguồn nước này; còn biển Chết thì luôn mặn chát, không có sự sống nào tồn tại được quanh hồ. Có cơ sự này là bởi vì trong khi biển hồ Galilee "chia sẻ" nguồn nước của mình tới những sông hồ nhỏ hơn ở xung quanh, biển Chết thì giữ khư khư lại cho mình.
"Một ánh lửa chia sẻ là một ánh lửa lan tỏa. Một đồng tiền kinh doanh là một đồng tiền sinh lợi. Đôi môi có thể hé mở mới thu nhận được nụ cười. Bàn tay có mở rộng trao tặng, tâm hồn mới tràn ngập vui sướng" (trích từ Dead Sea)
Tôi cảm thấy mình suốt thời gian qua đã sống như một cái ao tù (chứ chẳng thể nào đem so được với Biển Chết). Trước đây, khi đọc câu chuyện này, tôi vẫn cho rằng, người ta cứ trách cứ Biển Chết mãi mà lại chẳng ngồi xuống, quan tâm, lắng nghe hay hỏi han...; rằng, Biển Chết sống ích kỷ như vậy hẳn là có một nỗi khổ đau nào đó! Nhưng nếu tôi ngồi lại bên cạnh biển Chết, vỗ về "nó", an ủi và lắng nghe, liệu rằng nó có "than thở và chia sẻ" với tôi không? Tôi không biết được. Thực sự tôi không biết được...
Có thể tất cả những sự trì hoãn trong cuộc hành trình này của tôi chỉ đang cố giúp tôi "gặp được người đó" tại "thời điểm đó" để cho tôi thấy được rằng, mình đang sống như một cái ao đọng nước và bốc mùi (không thể nhận được dòng nước mới từ bên ngoài và cũng không muốn "thoát đi" những thứ đang có - mặc dù nó khiến cho những sinh vật trong ao thiếu dưỡng khí và dần chết ngạt). Tuy rằng sống với những cảm xúc mạnh mẽ nhưng lại chẳng biết cách thể hiện nó một cách trọn vẹn, chân thực và sống động nhất.
Chẳng hiểu sao tôi có thể "an tâm" nói ra những sự sợ hãi của mình, những lo lắng của mình, những mong muốn của mình cho một người lạ - người mà tôi thậm chí chẳng còn biết tên! Có lẽ tôi chỉ gặp người đó một lần trong đời, họ không xuất hiện lại trong cuộc sống của tôi, mà "để mắt" xem tôi làm những gì sau này. Một lần duy nhất thôi cũng đủ khiến tôi cảm thấy rằng tình trạng hiện tại của mình là hoàn toàn...không ổn. (Và ngay cả khi viết những dòng này - tôi cũng sợ rằng mình đang "đầu độc" cảm xúc của ai đó?!)
|
Ở đây cũng có rất nhiều chim, mà đợi mãi không đến lượt chụp chim nên thôi cũng chẳng muốn bon chen.
|
|
Trên đoạn đường Nguyễn Du. Tôi không biết liệu rằng Sài Gòn hôm nào cũng đẹp như vậy, hay chỉ riêng những ngày tôi đến thôi?
|
Tôi nhận ra rằng, mọi thứ xung quanh tôi lúc nào cũng đẹp. Nắng Hà Nội cũng đẹp như nắng Sài Gòn. Nắng Bắc Giang cũng đẹp như nắng Hà Nội. Bất cứ nơi nào, cũng sẽ có những hàng cây xanh mướt, những chú chim chiêm chiếp liên chuyền cành (tôi thật bất ngờ khi thức dậy ở Sài Gòn - giữa trung tâm quận 1 cũng nghe được tiếng chim líu lo). Chẳng qua là những lúc thấy
nơi này, hoặc
nơi đó ngột ngạt, tôi đã không thực sự "nhìn" và "cảm" mọi thứ xung quanh mình bằng những gì mà nó vốn có, mà thêm dăm thìa bực bội, một chút hờn giận, một chút thất vọng và hơi quá tay phần chán ghét vào... Cái thứ hỗn hợp cảm xúc ấy đã "che mờ" mắt tôi, khiến mọi thứ xung quanh tôi cũng trở nên xấu xí, méo mó, nham nhở.
Ngay cả với những người xung quanh tôi, đôi khi cũng bị cảm xúc của tôi làm ra như thế!
Tôi ơi, hãy ngừng khóc thương quá khứ và bớt suy nghĩ về tương lai, mà hãy dành thời gian sống ở thực tại. Yêu thương nhiều hơn những người thân yêu của mình, và cũng đừng quên tử tế với những cảm xúc của mình.
Thời gian là vô hạn thật, nhưng thời gian của một đời người thậm chí còn đếm được bằng những tờ giấy đánh số cơ đấy!
P/S:
Dạo này thấy mấy bài post dài trên mạng mà lười lười chẳng muốn đọc, trong khi bài post nào của mình cũng dài. Không biết sau này đọc lại liệu có thấy lười không?
Comments
Post a Comment