Skip to main content

Featured

thu sang - 2023

Mưa... D vừa chạy xe khỏi công ty một đoạn thì trời đổ mưa. Trời quang nhưng mưa có vẻ nặng hạt, D tấp vào lề đường, dừng xe lại rồi trùm áo mưa lên người.  Trời mưa, ai cũng vội vã.  Lâu lắm rồi D mới ung dung chạy xe dưới mưa như hôm nay. Hôm trước đó trời cũng đổ mưa, nhưng D còn vội đi làm quá. Suốt cả quãng đường, D chỉ chú tâm làm sao để đến công ty kịp giờ, làm sao để nước mưa không theo đường cổ áo mà rỉ xuống áo ngực, làm sao để nhìn rõ đường khi mưa cứ liên tục vã vào hai mắt kính, làm sao để giữ cho nước mưa không táp vào hai ống quần... Và khi đến nhà gửi xe - đang ngập trong nước - D cảm thấy may mắn vì buổi sáng hôm ấy D đã có một quyết định đúng đắn: chọn đi xăng đan thay vì đi giày thể thao.  Ai cũng thắc mắc về thói quen của D: cứ hễ trời mưa là D đi giày. Đơn giản là vì D ghét cảm giác bị ướt chân khi trời mưa. Hôm đó D lại chọn đi dép, vì sợ giày sẽ bị ướt. Mưa to mà.  To hơn hôm nay.  Đôi lúc làm ngược lại so với những thói quen thường nhật, ...

Lichun - Lập xuân

Xuân đương tới, nghĩa là xuân đương qua
Xuân còn non, nghĩa là xuân sẽ già
... Tôi không chờ nắng hạ mới hoài xuân!


1. Ngày 10 tháng Chạp

Hà Nội những ngày tháng Chạp, như một lẽ dĩ nhiên: đông hơn, hối hả hơn, tấp nập hơn. Dường như người ta cho phép mình thong thả suốt mười một tháng trước đó, để dồn sự vội vã cho những ngày cuối năm.

Tết. 

Bầu trời hôm nay phủ một màu xám, lạnh lùng thoáng chút u uất, như cái "lạnh" trong ánh mắt người đàn bà cạn tình nhìn về phía người đàn ông mà chị ta đã từng dành trọn tấm lòng để yêu thương nhưng giờ đây không còn gì ngoài sự chán ghét và khinh bỉ. Trên bức phông rộng lớn ấy, những cành bàng khô khốc trơ trụi khẳng khiu gầy gộc vươn dài... Thứ duy nhất khiến tôi cảm thấy vui mắt, có lẽ là những khóm hoa trạng nguyên đỏ chói trồng trong chậu, bày dọc hai bên vỉa hè; hay là những khóm cúc màu vàng rực rỡ - những bông hoa đang cố gắng khoe ra sự đẹp đẽ của mình, nhưng dường như chẳng mấy ai chú ý tới. 



Đèn xanh bật sáng
Xe anh lao nhanh.

...

2. "125 Bốt điện nở hoa"

Khu trung tâm hay ngoại ô? Phương tiện di chuyển cá nhân hay là phương tiện giao thông công cộng? Ở một mình hay là chia phòng với người khác? Nấu cơm hay ăn bánh mì/mì gói?... 

Có cả tỷ câu hỏi kiểu này khi tôi quyết định chuyển ra Hà Nội. Phàm là việc càng nghe có vẻ hệ trọng thì tôi đưa ra quyết càng nhanh, trong khi mấy chuyện chẳng đâu vào đâu thì lại đắn đo "nhiều hồi". Ví dụ, thi thoảng tôi thường mất khá nhiều thời gian để suy nghĩ và chọn tới chọn lui, mix áo này với quần kia, khăn này với váy nọ, rồi cả chuyện giày bốt nữa... Có thể, là vì bình thường tôi chẳng quan tâm đến những chuyện kiểu hôm nay mặc gì, nên thành ra cứ mỗi lần cần mặc đẹp một chút, là lại mất nhiều thời gian băn khoăn... Chuyện ăn uống cũng vậy. 

Bạn bè vẫn cứ hỏi rằng, tại sao ra ngoài Hà Nội không đem xe ra. Có cái xe tiện hơn bao nhiêu việc. Nhưng nói thật, đi xe máy ở Hà Nội... chẳng an toàn một chút nào (hoặc là tôi đi quá ẩu). Ngồi xe bus dễ chịu hơn nhiều. Ít ra, sau một ngày làm việc mệt mỏi, tôi có thể dựa đầu vào ghế mà ung dung nghe nhạc. Dù cho nó rung lắc giật đùng đùng do thắng gấp thì vẫn còn hơn là chăm chăm giữ chặt tay lái để không húc vào xe thằng phía trước, hay là đụng trúng thằng phía sau. Việc thư thái ngồi trên xe bus, nhìn người ta hối hả ngoài kia, ngắm trời, ngắm đất vẫn là một sở thích khó bỏ từ thời sinh viên. Nên dù đã đi làm, tôi vẫn thích đi xe bus; có việc cần kíp thì đặt một chuyến Grab là xong. 

Bởi vì ngồi xe bus, tôi mới phát hiện được những điều hay ho nhỏ nhỏ xinh xinh như chương trình "125 Bốt điện nở hoa" của thanh niên quận Hoàng Mai trên dọc đoạn đường Giải Phóng. Đây là một chương trình nhằm chào mừng Đại hội Đảng Toàn quốc lần thứ XIII. 








Những công trình như vậy khiến thành phố rõ ràng trông vui mắt hơn, đáng yêu hơn, thân thiện hơn. Nhưng vẫn như câu chuyện dân văn phòng thích trồng cây nơi bàn làm việc, một số người thích chơi đào rừng thay vì đào Nhật Tân, thay vì vẽ nên những đóa hoa muôn vàn sắc màu trên những góc phố, sao lại không trồng nhỉ? Rõ ràng là, hoa vẽ bằng màu sắc dù không tỏa hương thơm, nhưng được cái tươi lâu hơn, bền hoa hơn, không bị rụng cánh nữa. Và ý tưởng làm cây cột điện trổ hoa rõ là là một ý tưởng siêu hay ho; vì cây thật nở hoa nó lại là chuyện đương nhiên rồi. Cái gì mới mẻ thì cũng hấp dẫn và gây chú ý mà, phải không? 

Rụng cánh là cách duy nhất phân biệt giữa hoa giả và hoa thật. Hương thơm cũng có thể được làm giả như thường...

Chương trình "Bốt điện nở hoa" quả thực là một chương trình sáng tạo và đầy ý nghĩa. Cảm ơn các bạn họa sĩ rất nhiều vì đã khiến cho thành phố đẹp đẽ hơn! Chỉ là tôi chợt nhớ đến câu nói này trong cuốn sách đọc mới đây, thành ra cái bản tính suy nghĩ lung tung lại trỗi dậy mạnh mẽ quá... Và cũng hy vọng, người dân cũng có thể nhận thức được việc, những bốt điện xinh đẹp như vậy không phải là một nơi đánh dấu cho việc tập kết rác, hoặc là treo đủ thứ rẻ lau, biển hiệu lên như ở một số bốt. 

Có được thì dễ, nhưng giữ được lâu bền hay không lại là một chuyện khác. 

Hôm rồi dọn văn phòng, tôi mới phát hiện có một chậu cây kim ngân do nhân viên cũ để lại, nằm chơ vơ ngoài ban công nơi các anh đồng nghiệp hay ra hút thuốc, cạnh cây thủy tùng đã khô khốc tự bao giờ. Những cánh lá xanh vẫn mạnh mẽ vươn dài về tứ phía - một cách không hề được quy hoạch. Dưới gốc là lớp đất khô cạn rồi lổm chổm là những tàn và đầu lọc thuốc lá (chẳng biết ai mà nhẫn tâm đến thế). Tưới cho chút nước, rồi lau lớp bụi trên lá... lại có một chậu cây xinh xắn để bàn. 

3. Ngày Lập xuân

Một năm mới đã thực sự bắt đầu. Người ta có thể cảm nhận được sự ấm áp ngay ngày đầu tiên của tiết khí. Nắng vươn dài trên khắp mọi nẻo đường, ấm áp và hơi ẩm thực sự chứ không phải kiểu treo đầu dê bán thịt chó như ngày Đại hàn vừa qua (mặt trời thì tỏa sáng muôn nơi, nhưng hễ cởi áo khoác ra là lại rét). Gió nồm nam thổi. Một chiếc áo phông là vừa. Đắp thêm chiếc chăn nỉ lại thành nóng quá. Đám muỗi lại được dịp vo ve... Mùa xuân đã đến thật rồi. 

Lập Xuân lại trùng với dịp tiễn ông Công ông Táo về trời. Dịch bệnh bùng phát trở lại không ngăn bước chân người người, nhà nhà đi sắm Tết. Những khu chợ vẫn đông đúc, người qua lại vẫn tấp nập. Ngồi xe mà tôi bỗng nghĩ ra điều này, rồi phát hiện mọi chuyện đều có nguyên do của nó, chứ chẳng có gì là tự nhiên cả. Thói quen buôn bán và mua sắm ảnh hưởng đáng kể đến tình hình giao thông. Dân mình trước nay vẫn vậy, 1 thúng cà chua thêm 1 gánh khoai lang, cùng với 1 sọt rau bắp cải là đủ thành một cái chợ rồi. Cứ thêm con cá con gà, khoai tây khoai sọ, củ hành... là quy mô chợ sẽ to ra thôi. Chợ cóc kiểu này đâu đâu cũng có. Dân mình thì có tính tò mò, đi đường hay không nhìn đường, mà còn nhìn đủ thứ trên đường nữa. Hết ngấp rồi nghế, thành ra dù là ô tô hay xe máy, xe đạp hay là đi bộ cũng vậy thôi: làm sao có thể không bị thu hút bởi những quả dưa hấu xanh bóng, những quả dưa gàng ngon lành, hay cây quất có cái thế lạ, cành đào nhiều lộc nhiều hoa... Liếc bên này một cái, ngó bên kia một chút, thế là xe lại đi chậm lại. Ông phía trước đi chậm thì ông phía sau sao có thể đi nhanh? Kết cục là, cả một quãng đường cứ ậm à ậm ừ, ì à ì ạch. 

Anh bán hàng đeo khẩu trang dưới cằm vẫn cứ đon đả đưa khách, chị buôn dưa thì vẫn cứ chị ơi dưa ngọt lắm ngọt vừa. Hàng hóa thì cứ tràn ra hết cả vỉa hè chẳng còn lối cho người đi bộ... 

Dịch bệnh căng thẳng nên ô tô có vẻ như là hộ giáp chắc chắn trong khi đường thì chẳng thể to ra được chút nào. 



"Duyên phận? Trước kia đối với chuyên tình yêu nam nữ nàng nói chưa bao giờ tin vào câu nói duyên phận. Chỉ có những kẻ yếu đuối nhu nhược không biết tự mình giành lấy mới dùng duyên phận để làm lời thoái thác. Duyên phận sâu nặng là cái cớ để gần nhau. Còn không duyên cũng chỉ là lời giả dối để chấm dứt tình ý" 




Đến cả những bông hoa tưởng rằng đã chết, vẫn có riêng vẻ đẹp của nó!

Comments

Popular Posts