cớ sao để mùa thu/ xanh trong giữa nắng hạ?
 |
Một chiếc ảnh xinh xắn nhặt trên Pinterest |
1. Mười vạn câu hỏi "đây là cái gì?"
Tôi có một đứa em họ, con gái, gần 3 tuổi. Hôm nào nó tới nhà tôi chơi là tôi coi như dành cả buổi chỉ để trả lời nó câu hỏi: "chị này đang làm gì đấy?" hoặc "chị này đi đâu đấy?" Khi nghe nó hỏi quá nhiều, tôi bắt đầu phát bực. Thay vì lặp lại những câu trả lời của mình, tôi hỏi lại nó bằng chính những câu hỏi mà nó dành cho tôi: "chị này đang làm gì đấy?" Và tôi cũng chẳng lấy làm bất ngờ khi nó trả lời luôn câu hỏi ấy của tôi: "chị này đang phơi quần áo à?" Rõ ràng là chúng biết mọi người xung quanh chúng đang làm gì, nhưng chúng vẫn cứ liên tục hỏi. Nhiều người cứ nghĩ rằng, một đứa trẻ con 2-3 tuổi thì "biết cái gì" nhưng thực sự, vẫn là đứa trẻ con ấy, nó đã biết phân biệt đúng sai từ lúc 6 tháng tuổi. Trẻ con có cách tiếp cận và nhìn nhận thế giới của trẻ con, chỉ là chúng chưa đủ khả năng ngôn ngữ để có thể diễn đạt những "hiểu biết" ấy bằng lời, nên đành phải dùng tạm/xác nhận qua kênh ngôn ngữ của người lớn.
Có một khái niệm gọi là "object permanence", nói về sự nhận thức một sự vật sẽ tiếp tục tồn tại mặc dù chúng không hề được nhìn thấy. Một đứa trẻ đã hiểu về "object permanence" ngay từ khi chúng biểu thị thái độ thờ ơ với cái trò "ú òa" của các bà, các mẹ và các chị. Khi còn ẵm trên tay, hẳn là bọn trẻ con (chúng ta của nhiều năm về trước) sẽ cảm thấy thật sự thần kì khi một người có thể dễ dàng thoắt ẩn, thoắt hiện trước mặt chúng chỉ trong nháy mắt. Thật sự biến mất đấy! Oaaaa, thật ngạc nhiên.... Nhưng chỉ ít tháng nữa thôi, chúng sẽ thấy những người lớn thật là ngốc nghếch khi cứ trùm khăn lên đầu, hoặc che tay vào mặt "giả vờ" biến mất, những tràng cười cũng thưa dần, điều thần kì cũng chẳng còn nữa. Rồi ít lâu sau, chúng ta đã được học về việc trái đất tự quay quanh trục và quay quanh mặt trời, rằng mặt trời vẫn luôn đứng im một chỗ, chúng ta không nhìn thấy mặt trời vào ban đêm chẳng qua là do sự tự quay của trái đất mà thôi (chứ chẳng có ông mặt trời nào đi ngủ hết). Làm trẻ con chưa vui xong đã phải học làm người lớn!
 |
Làm người lớn chẳng vui tí nào đâu em ơi! |
Trong suốt quá trình ấy, bộ não của chúng ta hẳn đã làm việc không mệt mỏi để có thể đúc rút ra được rằng: có những thứ mặc dù không nhìn thấy, nhưng chúng vẫn tồn tại, và chẳng hề bị mất đi.
Vấn đề mà ai cũng hiểu. Nhưng chẳng mấy khi nhớ đến và đôi khi quên bẵng đi rồi lại băn khoăn về những thứ xung quanh mình.
Đến một lúc nào đó, mọi thứ đều có lời giải thích của riêng nó.
2. Những tác phẩm văn học trong sách giáo khoa lớp 9
Hôm nay tôi có chút việc cần phải đi ra ngoài, đoạn cổng trường cấp 3 cũ, gần nhà cô giáo dạy văn cấp 2. Chợt nhớ ra, hồi còn đi học, ngày cô giảng về nhân vật Nhĩ trong truyện ngắn Bến Quê của Nguyễn Minh Châu, cô có bảo là: bằng lăng có hai loại, một loại là sẫm dần - hoa từ nhạt mà trở nên tím dần, và một loại là phai dần - lúc hoa mới nở sẽ có màu đậm nhất, rồi sau đó sẽ nhạt dần cho tới khi rụng xuống. Cây bằng lăng ngoài cửa sổ nhà anh Nhĩ là thuộc loại thứ nhất: hẳn có lẽ vì đã sắp hết mùa, hoa đã vãn trên cành, cho nên mấy bông hoa cuối cùng còn sót lại trở nên đậm sắc hơn.
 |
Đây là bông hoa đã phai màu... |
Tôi thích sách. Tôi cũng thích đọc sách. Thực ra, tôi không thích đọc sách bằng thích sách. Hồi còn đi học đại học, những lúc tâm trạng chán đời (vì thi không làm được bài, vì học dốt, vì gỉ vì gì...), thay vì về nhà tôi ngồi bus dong dẩy lên Bờ Hồ, lượn lờ hết các cửa hàng sách ở khu Đinh Lễ hàng tiếng đồng hồ. Chỉ cần ngửi mùi sách thôi cũng làm tôi vui vẻ lên phần nào. Đó là một mùi thơm của mực in, của những trang giấy mới, của những tờ bìa cứng in đủ thứ họa tiết hoa lá cành, hay một ông bà nào đó; được xếp trên kệ ngay ngắn hoặc thậm chí là chưa cả được khui ra từ lớp giấy ni-lông. Bạn tôi bảo cô ấy ghét mùi này, tôi thì bảo rằng đó là mùi hương khiến tôi hạnh phúc (dù chẳng biết nội dung bên trong có khiến tôi hạnh phúc như thế không). Tôi cũng thích những cuốn sách cũ; cả những cuốn sách tôi từng mua mới và để chúng "già" đi trên giá, hay những cuốn sách vốn đã cũ (thậm chí là rách tươm cả ra) mà tôi mua từ sạp sách báo cũ ở chợ. Tôi cũng thích luôn cái màu giấy ngả vàng (không khiến tôi lóa mắt), thích cái mùi ẩm mốc, thích những nét bút chì gạch ngang gạch dọc, hoặc là một dòng cảm nhận về nội dung mà người chủ trước của chúng đã để lại... Đó là cái cảm giác, tôi không những trải nghiệm cuộc đời của những nhân vật trong sách, suy ngẫm cùng tác giả, mà còn tương tác với một người thứ ba nữa - một diễn đàn bí mật và nho nhỏ, chẳng ai biết nữa ngoài tôi ra.
Có lẽ tôi cũng giống rất nhiều người, luôn mơ về một căn phòng đầy sách - cỡ như của hoàng tử quái vật trong câu chuyện cổ tích Beauty and the Beast. Nhưng nếu giấc mơ ấy thành sự thực, với một suy nghĩ lạc quan thì tôi cho rằng mình có thể đọc được hết số sách ấy, nhưng để thực sự hiểu được và cảm nhận được cái hay, điều có ý nghĩa mà tác giả mong muốn truyền tải đến độc giả thì chắc ... là không thể. Tình cờ, tôi có đọc lại được đoạn trích Bàn về đọc sách của Tác giả Chu Quang Tiềm (một nhà mĩ học và lí luận văn học nổi tiếng người Trung Quốc) trong sách giáo khoa ngữ văn lớp 9, tập hai. Trong đó có đoạn: "Đọc sách không cốt lấy nhiều, quan trọng nhất là phải chọn cho tinh, đọc cho kĩ. Nếu đọc được mười quyển sách không quan trọng, không bằng đem thời gian, sức lực đọc mười quyển ấy mà đọc một quyển thật sự có giá trị. Nếu đọc được mười quyển sách mà chỉ lướt qua, không bằng chỉ lấy một quyển mà đọc mười lần. 'Sách cũ trăm năm xem chẳng chán - Thuộc lòng, ngẫm kĩ một mình hay', hai câu thơ đó đáng làm lời răn cho mỗi người đọc sách". Đây thực sự là một đoạn trích hay, và đáng đọc, đáng ngẫm nghĩ. Nhưng tiếc rằng, tôi của tuổi mười bốn mười lăm đang chuẩn bị cho kì thi vào cấp ba, thực lòng cũng bị cái áp lực điểm số làm mờ mắt mà chẳng ngấm được cái tinh túy từ trong lời dạy dỗ của người xưa; cho tới tận bây giờ, khi chẳng còn trường lớp nào kiểm tra những kiến thức ấy văn học ấy nữa, tôi mới thực sự cảm nhận được những thông điệp quý giá mà các tác giả muốn truyền tải.
 |
Chẳng tìm được cái ảnh nào về căn phòng sách hợp hơn nữa (Pinterest) |
Những thông điệp ấy được tác giả đúc kết sau những năm tháng tung hoành ngang dọc cỡ đâu nửa đời người nên để hiểu được những suy nghĩ của ông/bà ấy người đọc ít nhiều gì cũng phải ở một độ tuổi nhất định nào đó. Tôi cho là vậy. Trong suốt thời gian thất nghiệp của mình, tôi dành thời gian của mình xem lại những cuốn sách cũ. Chúng không còn tinh tươm như thưở ban đầu (khi tôi mới đem chúng về từ hiệu sách), những trang giấy đã chuyển màu, xuất hiện những đốm vàng (có lẽ do ẩm mốc), và mỗi cuốn sách lại có một mùi đặc trưng. Cuốn thì có mùi thơm thơm man mát như mùi bột sắn dây chưng trên bếp, cuốn thì lại có mùi như bức tranh màu sáp của trẻ con, cuốn thì có thơm ngòn ngọt như mùi của túi hoa nhài khô... Vẫn là Số Đỏ của cụ Vũ Trọng Phụng nhưng tôi của 25 tuổi sẽ nhìn nhận khác với tôi của 15 tuổi. Vẫn là Thương Nhớ Mười Hai của cụ Vũ Bằng, tôi của 25 cũng có những cảm nhận khác với tôi của lúc 20... Chỉ độ dăm ba năm nữa thôi, lúc đọc lại những cuốn sách này (hay thậm chí những dòng này) tôi lại có những cảm xúc mới mẻ...
Quả thực, khi thời gian trôi đi, nếu thật sự lắng nghe thì ngay cả tiếng mưa cũng không còn giống ngày xưa nữa.
Nhân tiện, nói về Beauty and The Beast, tôi vẫn thích bản của Pháp hơn bản của Mỹ, vì nó có màu sắc "quái vật" hơn. Thêm nữa, nếu nói về việc đọc sách, những quan điểm của tác giả Nguyễn Hiến Lê trong cuốn Tự học - Một nhu cầu thời đại cũng rất đáng để tham khảo.
 |
Poster "La belle et la Bete" (Pinterest) |
3. Chủ nghĩa lý tưởng hay chủ nghĩa thực tế?
Tôi vẫn nói rằng, mình ghét việc thế giới này cứ giải thích mọi thứ theo cái kiểu chia ra rồi định nghĩa: thất nghiệp cũng có nhiều kiểu, thông minh cũng có nhiều kiểu, đau bụng cũng do nhiều nguyên nhân... Nhưng tôi phải thừa nhận rằng, chính sự cụ thể hóa ấy khiến mọi thứ trở nên rõ ràng, không còn mơ hồ và khiến tôi bớt cảm giác choáng ngợp và sợ hãi. (Hoặc chí ít, tôi biết mình đang sợ cái gì!)
Người ta tin rằng chủ nghĩa lý tưởng (Idealism) và chủ nghĩa thực tế (Realism) trong một con người sẽ có những tác động nhất định đến việc họ phản ứng và hành xử như thế nào trước thành công hay thất bại trong cuộc đời.
 |
Một chút trắc nghiệm cho vui :)) |
Cốc nước này là nửa đầy hay nửa vơi?
Người với những suy nghĩ tích cực thì cho rằng cốc này đầy một nửa, số còn lại nhìn đời với con mắt ít kì vọng hơn thì bảo rằng đây là cốc nước vơi. Tuy nhiên, không phải tất cả những người thuộc nhóm thứ hai đều thuộc chủ nghĩa thực tế. Vì chính tôi cũng bảo cốc nước này vơi một nửa trong khi tôi thấy mình là một idealist điển hình thậm chí còn có xu hướng tiến hóa thành một dreamer chính hiệu: tin và dành nhiều thời gian suy nghĩ về những điều khó có thể xảy ra trong cuộc sống. Một người theo chủ nghĩa thực tế có lẽ là trendy hơn trong thời buổi hiện nay (luôn nhìn đời bằng con mắt khách quan và thực tế, cân nhắc suy xét tường tận trước sau để đưa ra quyết định, đặt những mục tiêu chuẩn S-M-A-R-T...)
Nhưng mà thực tế quá thì còn gì vui nữa! Tôi vẫn thích tinh thần lạc quan của chủ nghĩa lý tưởng hơn, luôn luôn tìm kiếm những điều tốt đẹp dù trong hoàn cảnh khó khăn cách mấy, đúng kiểu "cái khó ló cái khôn". Dẫu biết rằng, nếu lạc lối trong cái mê cung huyền diệu ấy thì chẳng phải là một sự lựa chọn thông minh.
Nhưng biết sao được!
Dreamer (n) a person who spends a lot of time thinking about or planning enjoyable events that are not likely to happen (Tạm dịch: Kẻ mộng mơ - một người dành nhiều thời gian để nghĩ về hoặc vẽ vời kế hoạch cho những sự việc hầu như chẳng bao giờ xảy ra)
Idealist (n) someone who believes that very good things can be achieved, often when this does not seem likely to others (Tạm dịch: Người theo chủ nghĩa lý tưởng - người tin vào những điều tốt đẹp có thể đạt được, mặc dù người khác chẳng tin là có thể)
Realist (n) someone who hopes for or accepts only what seems possible or likely, and does not hope for or expect more (Tạm dịch: Người có óc thực tế - chỉ tin vào những điều có khả năng xảy ra mà chẳng mong đợi gì thêm)
Note:
- Định nghĩa lấy từ từ điển Cambridge.
5.
cớ sao để mùa thu
xanh trong giữa nắng hạ
để xác thân tàn tạ
vì cái cúm "chuyển mùa"?
P/S: Blog có giao diện mới...
Comments
Post a Comment